Từ lời thông báo “xin phép ngưng nhận khách là trẻ em dưới 12 tuổi” của một quán cà phê, cộng đồng mạng “bùng” lên cuộc tranh luận về cách cha mẹ dạy con, nhất là ở nơi công cộng. Dưới đây là bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Hoàng Huy.
Có câu chuyện kể rằng, một gã sát nhân giết người, đến khi bị trói dựa cột chuẩn bị bịt mắt để thi hành án, hắn xin được gặp người mẹ già đang đau khổ đằng xa để từ biệt lần cuối. Thật bất ngờ; hắn ghé sát và cắn vào tai bà mẹ tới đổ máu. Khi được lôi ra, hắn đã gào lên: “Vì bà, vì đôi tai của bà từ khi sinh tôi ra luôn chỉ thích nghe những lời khen, và không bao giờ can ngăn khi tôi làm những gì sai trái, nên ngày hôm nay tôi phải chết.” Câu chuyện này, chắc là không có thật, mình được nghe một thầy giáo kể hồi cấp 3, nhưng đã để lại rất nhiều suy nghĩ, nhiều hơn cả một câu chuyện buồn.
Mấy hôm nay, dân tình xôn xao về chuyện một quán cà phê ở Đà Nẵng từ chối nhận khách đi cùng trẻ con dưới 12 tuổi, rồi ở Hà Nội một đứa trẻ con 9 tuổi bị một người đàn ông đánh vì nghịch thang máy chung cư. Hai sự việc ở hai nơi cách xa nhau nhưng lại nói chung về một câu chuyện: Sự lớn lên của trẻ con và sự trẻ con của người lớn.
Chính gia đình là cái nôi vỗ về cái Thiện và ngăn trừ cái Ác có trong trẻ, bằng sự giáo dục và tình yêu thương đúng cáchẢNH MINH HỌA: NHẬT THỊNH |
Ở nước mình, nhiều phụ huynh đều có cùng một câu “Trẻ con biết gì!” như một lời bao biện làm nhẹ tội mỗi khi con trẻ làm điều gì chưa đúng, hay tệ hơn là sai trái. Đúng, ở buổi đầu của cuộc đời trẻ con đúng là chưa biết gì nhiều về cuộc sống, về ứng xử nhưng phụ huynh thì không thể không biết.
Không thể không biết rằng xã hội lớn không hề bao dung như gia đình nhỏ, những gì bố mẹ, gia đình không chịu dạy thì xã hội sớm muộn cũng sẽ dạy cho tới nơi tới chốn với học phí đắt đỏ gấp nhiều lần.
Không thể không biết rằng sự dễ dãi, xuê xoa ngày hôm nay của bố mẹ hoàn toàn có thể trả giá bằng tương lai u tối của con cái sau này; những hành động nghịch ngợm của con nít ngày hôm nay nếu không được uốn nắn, dạy dỗ kịp thời thì ngày mai hoàn toàn có thể sẽ vươn mầm thành tội ác cho xã hội, hại đời hại người và hại chính mình.
Lời cuối cùng của “dì ghẻ” Nguyễn Võ Quỳnh Trang trong vụ án bé Vân An có làm bạn suy nghĩ gì không? “Bị cáo nói không bao biện nhưng mong HĐXX xem xét về bản chất con người của bị cáo từ nhỏ đến lớn không chơi bời, giao du mà chỉ đi học và đi làm”.
Chúng ta, ai cũng vậy, sinh ra – lớn lên – đi học rồi đi làm, nhưng chỉ khác nhau ở chỗ “ở nhà cháu nó ngoan lắm” – sự giáo dục của gia đình. Nói “nhân chi sơ tính bản thiện” (Con người sinh ra bản tính là tốt đẹp) là chưa đầy đủ, con người vốn được sinh ra với cả mầm Thiện lẫn mầm Ác. Và chính gia đình là cái nôi vỗ về cái Thiện và ngăn trừ cái Ác có trong trẻ, bằng sự giáo dục và tình yêu thương đúng cách.
Không có gì tốt đẹp hơn là để lại cho thế giới một thế hệ sau tử tếẢNH MINH HỌA: NHẬT THỊNH |
Đời sống hiện đại và bận rộn làm cho ngày càng nhiều người làm cha mẹ trong thất niệm, tức là sinh ra một đứa con nhưng vẫn chưa hình dung hết trách nhiệm của bậc làm cha làm mẹ to lớn biết nhường nào.
Con nhỏ thì phó thác cho smartphone cho Internet, lớn thì đã có thầy cô – nhà trường để đổ lỗi, còn phụ huynh ư, chúng tôi luôn vô can. Con tôi ngoan thì đó là do gen nhà tôi tốt, còn nếu nó hư, đó là do xã hội, chứ… ”ở nhà cháu nó ngoan lắm”.
Tôi nhớ mãi một lần khi còn nhỏ, đang xem phim về chiến tranh ở nước ngoài trên ti vi cùng bố, đến cảnh quân đội tàn sát người dân, vì đầu óc lơ đễnh đang nghĩ tới một chuyện khác chứ không đang thực sự xem phim, tôi lỡ cười. Bố tôi quay sang nhìn tôi với một ánh mắt rất giận dữ và “liên hoan” tiếng chửi kéo dài 3 ngày kế tiếp vì “bố không hiểu con là thể loại gì khi xem những cảnh đó mà lại cười được, không có trái tim à?” mặc cho tôi giải thích.
Và tôi cũng chưa quên những trận đòn rất ra gì và này nọ của mẹ với câu “tuyên án” quen thuộc: “Không dạy cho tới nơi tới chốn để sau này ra đường làm cướp à!”. Hồi đó thì tôi sợ, nhưng càng lớn thì lại càng biết ơn sự nghiêm khắc cần thiết của hai vị phụ huynh. Họ đã không ban phát sự dung túng bừa bãi cho tôi vì họ biết rằng không ông bố bà mẹ nào sống đủ lâu và đủ quyền lực để chở che suốt đời cho con cái; sự chở che tốt nhất là làm trọn vẹn vai trò trách nhiệm giáo dục của gia đình. Trời sinh voi, nhưng trời không sinh cỏ, và càng không cung cấp dịch vụ giáo dục bẩm sinh, trời chỉ cung cấp luật nhân quả.
Thế nên, tôi nghĩ rằng người chủ quán cà phê không tiếp trẻ con ở Đà Nẵng kia trước khi đi đến một quyết định quan trọng tác động đến việc kinh doanh của mình, chắc cũng đã trải qua nhiều phen “hết hồn” với những vị phụ huynh coi nơi công cộng là sân nhà mình, để mặc con trẻ làm náo loạn, ảnh hưởng đến những người xung quanh. Và tôi nghĩ rằng sự phản ứng của xã hội, dù hiếm có, là cần thiết để mỗi chúng ta nhìn lại xem “Người lớn biết gì?” và câu chuyện tôi kể lúc đầu sẽ mãi mãi chỉ là chuyện bịa.
Phần đông chúng ta mải mê làm ăn, gom góp với hy vọng để lại cho thế hệ sau một thế giới tốt đẹp, nhưng nhiều khi lại quên rằng, không có gì tốt đẹp hơn là để lại cho thế giới một thế hệ sau tử tế. Ngày mai, đang bắt đầu từ ngày hôm nay.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
2 trẻ tử vong đột ngột tại nhà khi ngủ: Cảnh báo hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ
Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi có bị hậu COVID-19 không?
Trẻ nhỏ bị quầng thâm ở mắt cảnh báo bệnh gì?
Chuyên gia dinh dưỡng “tự xưng” – Nguyễn Thị Miện
Chuyên gia dinh dưỡng “tự xưng” – ăn cắp bản quyền lừa đảo Nguyễn Thị Miện
Tết của trẻ con
Trẻ con làm ồn trong quán cà phê: Chắc phải ‘đánh đòn’ cha mẹ?
‘Trẻ con biết gì’ – phụ huynh đừng dễ dãi trước hành động nghịch ngợm của con nít!