Một nhà đầu tư mất trắng hơn 51 triệu đồng (tương đương 2.000 USDT) trong ví MetaMask khi nhấp chuột vào một link lạ chứa mã độc.
Chị Bùi Thiên Hương (nhân viên văn phòng tại TP.HCM) là nhà đầu tư tiền ảo trên sàn Binance. Trước đây, mọi giao dịch mua bán coin đều được chị Hương thực hiện thông qua sàn này.
Ngày 29/6, chị Hương quen một người lạ mặt qua mạng xã hội Instagram, tên Jack Tran. Khi biết chị Hương có tham gia đầu tư tiền ảo, đối tượng này dụ chị nạp tiền vào ví MetaMask (ví điện tử giúp người chơi lưu trữ và giao dịch tiền điện tử trên nền tảng blockchain).
Sau đó, Jack Tran kết nối Hương cho một đối tượng khác là Nguyễn Thị Tuyền, và giới thiệu đây là người bán USDT (đồng tiền điện tử có giá trị được đảm bảo bằng USD theo tỷ lệ 1:1 do Tether Operation Limited phát hành), trên sàn giao dịch tiền số Binance.
Sau khi cung cấp căn cước công dân cho hai đối tượng trên để xác nhận, chị Hương thực hiện chuyển 51.210.000 đồng vào tài khoản ngân hàng Viettinbank của Nguyễn Thị Tuyền (số tài khoản: 100007003861), để mua 2.000 USDT về ví MetaMask.
Tiếp đó, đối tượng Jack Tran tiếp tục dụ chị Hương truy cập vào đường link https://viabtc-defi.com?t=dbynp8ne (hiện link này đã bị khóa) để “săn” các khuyến mại coin. 3 ngày sau khi truy cập vào đường link trên, chị Hương phát hiện toàn bộ tiền trong ví MetaMask của mình “không cánh mà bay”.
“Đối tượng Jack Tran sử dụng số điện thoại mã vùng Hồng Kông để gọi cho tôi, dụ dỗ tôi tham gia chương trình phát coin defi khuyến mại theo số tiền đô mình gửi ở ví. Tôi không ngờ hành động này đã vô tình cấp quyền cho hacker truy cập vào ví MetaMask và đánh cắp tiền của mình”, chị Hương nói với Doanh Nhân Trẻ.
Thực tế, tấn công qua liên kết lừa đảo là một chiêu lừa không mới và nở rộ khi thị trường tiền số ngày càng thịnh hành. Trong năm 2021, số tiền lừa đảo qua chiêu thức này lên tới 14 tỷ USD, tăng 79% so với năm 2020 (theo Chainalysis).
Các đối tượng thường nhắm đến những người đầu tư tiền số thiếu kinh nghiệm, kiến thức. Chiêu thức phổ biến là mạo danh gửi các chương trình tặng qua, kèm link chứa mã độc nhằm chiếm quyền kiểm soát tài khoản của khách hàng.
Hình thức lừa đảo này không mới nhưng đến nay vẫn nhiều nạn nhân “sập bẫy” vì nhẹ dạ cả tin. Trong khi đó, ví MetaMask hay một số loại ví điện tử phi tập trung khác tồn tại độc lập với các sàn giao dịch. Vì vậy, nếu tài sản của của người dùng bị đánh cắp, khả năng thu hồi lại rất thấp.
Do vậy theo các chuyên gia, việc bảo mật ví MetaMask là một trong những kỹ năng cơ bản mà nhà đầu tư cần trang bị ngay từ đầu khi bước chân vào thị trường crypto.
Ngoài ra, trước tình trạng tin tặc nở rộ với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân tuyệt đối không truy cập vào các website, ứng dụng có nguồn gốc, nội dung không rõ ràng. Nếu có nghi vấn về lừa đảo, khách hàng cần phản ánh ngay với Cục An toàn thông tin (Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam – VNCERT) qua đầu số tin nhắn 5656 hoặc qua website https://thongbaorac.ais.gov.vn/ để Cục hỗ trợ xử lý.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
2 trẻ tử vong đột ngột tại nhà khi ngủ: Cảnh báo hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ
Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi có bị hậu COVID-19 không?
Trẻ nhỏ bị quầng thâm ở mắt cảnh báo bệnh gì?
Chuyên gia dinh dưỡng “tự xưng” – Nguyễn Thị Miện
Chuyên gia dinh dưỡng “tự xưng” – ăn cắp bản quyền lừa đảo Nguyễn Thị Miện
Tết của trẻ con
Trẻ con làm ồn trong quán cà phê: Chắc phải ‘đánh đòn’ cha mẹ?
‘Trẻ con biết gì’ – phụ huynh đừng dễ dãi trước hành động nghịch ngợm của con nít!