Cho trẻ gần gũi với thiên nhiên sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn về mặt tinh thần và trí tuệ. Đây là một trong những điều kiện tất yếu để trẻ mau lớn và giữ được tinh thần vui vẻ, chú ý, ít lo lắng hơn những đứa trẻ không được ra ngoài. Vì vậy, cha mẹ dù có nhiều bận rộn nhưng hãy dành thời gian đưa trẻ đi chơi, tạo điều kiện cho con lớn lên một cách toàn diện.
1. Thực trạng trẻ không được ra ngoài
Trong một cuộc sống hiện đại và không ngừng phát triển theo hướng công nghiệp hóa, đây là hệ quả của sự gia tăng các hộ gia đình có cha mẹ đơn thân hay cả cha và mẹ đều đi làm việc. Hơn nữa, tại các nước đang phát triển như Việt Nam, một bộ phận lớn cha mẹ vẫn lựa chọn phương án giữ trẻ không được ra ngoài do thiếu hụt của các dịch vụ chăm sóc trẻ phù hợp và uy tín, có giá cả phải chăng và mang tính giáo dục cao. Mặt khác, so với thế hệ trước khi ông bà thường là người chăm sóc con cháu khi cha mẹ đi làm, với xu hướng đô thị hóa, người trẻ lựa chọn sinh sống ở thành thị và ông bà lại ở quá xa, tình trạng này gây ra những khoảng trống trong việc chăm sóc con trẻ dường như không thể lấp đầy.
2. Trẻ ở trong nhà nhiều có tốt không?
Sau đây là các ảnh hưởng của những đứa trẻ không được ra ngoài, thậm chí là thường xuyên ở một mình:
- Tăng cảm giác sợ hãi: Khi trẻ không được ra ngoài, khả năng ứng phó với thế giới xung quanh của trẻ sẽ bị giảm sút rất nhiều. Trẻ có thể sợ những tiếng động bình thường của một ngôi nhà trống không. Bên cạnh đó, khi ở trong nhà, hầu hết trẻ nhỏ sẽ dễ dàng tiếp xúc với các thiết bị công nghệ và trò chơi điện tử. Chính những công cụ này đã dạy cho trẻ biết rằng có rất nhiều điều đáng sợ trên thế giới và sẽ càng khiến trẻ trở nên sợ sệt, nhút nhát hơn và rất dễ bị tổn thương.
- Tạo thói quen sống cô độc: Khi trẻ không được ra ngoài, trẻ sẽ hạn chế khả năng xã hội, giao lưu với bạn bè cùng trang lứa. Điều này còn có nghĩa là những đứa trẻ ở nhà một mình thường không được phép có những đứa trẻ khác đến chơi và cũng không được phép đến nhà của những đứa trẻ khác. Bên cạnh đó, trẻ thông thường cũng không thể tham gia các buổi hẹn sau giờ học hoặc các hoạt động ngoại khóa. Kết quả là nhiều trẻ em bị bỏ lại một mình, không học được cách hòa đồng, kém phát triển các kỹ năng xã hội và không ít trẻ bị trầm cảm.
- Dễ mắc béo phì: Khi trẻ không được ra ngoài, điều này có nghĩa là trẻ không được chạy nhảy hoặc đạp xe, chơi đùa. Thay vào đó, trẻ dành nhiều thời gian cho thiết bị công nghệ cũng như ăn vặt. Một số trẻ ăn để không bị buồn chán, một số khác ăn để giải trí hay như một cách để đối phó với sự cô đơn. Giảm hoạt động thể chất cùng với tăng lượng calo nhập vào sẽ càng khiến trẻ béo phì, thừa cân.
3. Tại sao lại cần cho trẻ gần gũi với thiên nhiên?
Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra lợi ích, thậm chí là cần thiết của việc dành thời gian cho trẻ được ở ngoài trời và cho trẻ gần gũi với thiên nhiên, không chỉ đối với riêng trẻ em mà cả người lớn. Kết quả của hầu hết các nghiên cứu đều đồng ý rằng những cha mẹ thường xuyên cho trẻ gần gũi với thiên nhiên, đi chơi bên ngoài sẽ giúp trẻ trở nên thông minh hơn, hạnh phúc hơn, chú ý hơn và ít lo lắng hơn những đứa trẻ dành nhiều thời gian trong nhà. Mặc dù chưa rõ chính xác hoạt động nhận thức và cải thiện tâm trạng diễn ra như thế nào, nhưng có một số lợi ích của thiên nhiên tốt cho trí não của trẻ em như sau:
- Xây dựng sự tự tin: Khi được ra ngoài trời, có vô số cách để trẻ tự do tương tác với môi trường xung quanh, từ khoảng sân sau nhà đến công viên gần nhà, lối đi bộ hoặc ven hồ nước. Các hình thức này tạo điều kiện cho con chọn cách đối xử với thiên nhiên phù hợp, đồng nghĩa cho phép trẻ ứng phó tốt hơn, hình thành khả năng tự tin trong quyền kiểm soát hành động của mình.
- Tạo điều kiện cho trẻ sáng tạo và tưởng tượng phong phú: Phong cách chơi không cấu trúc này cũng cho phép trẻ tương tác có ý nghĩa với môi trường xung quanh. Trẻ có thể suy nghĩ tự do hơn, thiết kế các hoạt động của riêng mình và tiếp cận thế giới theo những cách sáng tạo.
- Dạy trẻ về trách nhiệm: Các sinh vật sẽ chết nếu bị ngược đãi hoặc không được chăm sóc đúng cách. Đây là bài học trẻ nhận được khi giao cho trẻ chăm sóc một cái cây nhỏ hay nuôi con vật.
- Kích thích các giác quan: Thiên nhiên trông có vẻ ít kích thích hơn các trò chơi điện tử bạo lực của trẻ nhưng trên thực tế, điều kiện này sẽ kích hoạt nhiều giác quan hơn. Trẻ học được cách nhìn, nghe, ngửi, nếm vị, sờ chạm và cảm nhận vào môi trường ngoài trời: Theo đó, khi những người trẻ khi nhỏ càng dành ít cuộc sống của mình trong môi trường tự nhiên, các giác quan của họ khi lớn lên sẽ bị thu hẹp lại và điều này làm giảm sự phong phú của trải nghiệm của con người.
- Tăng tính năng động: Hầu hết các cách tương tác với thiên nhiên đều khiến trẻ tăng cường vận động hơn là thụ động khi trẻ không được ra ngoài. Theo đó, trẻ không nhất thiết phải cần tham gia các đội nhóm thể thao, việc cho trẻ gần gũi với thiên nhiên cũng giúp cơ thể trẻ hoạt động không ngừng và hệ tuần hoàn thuận lợi bơm máu đi khắp cơ thể, phát triển cơ bắp và khung xương cũng như xây dựng hệ miễn dịch.
- Luôn khiến trẻ phải động não: Thiên nhiên đa màu đa dạng sẽ luôn tạo ra cảm giác kỳ thú độc đáo cho trẻ em mà không môi trường nào khác có thể cung cấp. Các hiện tượng xảy ra trong tự nhiên hàng ngày khiến trẻ em không ngừng đặt câu hỏi về trái đất và sự sống xung quanh.
4. Những gợi ý để khuyến khích trẻ ra ngoài trời
Nhiều trẻ em đang lớn lên trong môi trường đô thị nên sẽ có không ít trẻ không được ra ngoài. Đồng thời, sự phát triển của kỹ thuật công nghệ, các thiết bị điện tử khiến trẻ bị “níu kéo” trong nhà. Trong khi đó, vui chơi bên ngoài và cho trẻ gần gũi với thiên nhiên là một hình thức quan trọng để trẻ phát triển các kỹ năng vận động toàn diện cũng như những kiến thức cơ bản về cuộc sống.
Tuy vậy, rất nhiều cha mẹ thời nay phải vật lộn với việc cho trẻ ra ngoài trời. Dưới đây là một số cách để khuyến khích trẻ hào hứng ra ngoài và chơi đùa nhiều hơn:
- Cho phép trẻ được làm ướt và làm bẩn tay chân, quần áo;
- Tổ chức một buổi hẹn hò vui chơi ngoài trời cho trẻ và một vài người bạn của trẻ ở công viên, khu cắm trại;
- Khuyến khích trẻ vận động dưới nhiều hình thức trong thiên nhiên, như nhảy, chơi với cát, đá cuội. Khuyến khích trẻ chơi đùa theo trí tưởng tượng và khám phá thể chất. Tự cho trẻ có thể được tự do lựa chọn, tự phát và không có cấu trúc;
- Thỏa thuận lượng thời gian sử dụng thiết bị công nghệ tối đa. Điều này sẽ hạn chế trẻ dành thời gian để xem TV hoặc sử dụng máy tính;
- Cùng con tham gia trồng vườn hoặc nuôi thú cưng;
- Tổ chức các buổi đi ăn dã ngoại;
- Thường xuyên đi bộ, chạy hoặc đạp xe với trẻ trong khoảng cự ly gần nhà thay vì đi xe;
- Đăng ký cho con các lớp học ngoại khóa, chương trình tham quan, tạo điều kiện cho trẻ có thể trải qua mùa hè an toàn, nhiều ý nghĩa;
- Lập chương trình khám phá thiên nhiên xa nhà cho cả gia đình thường niên, như đi tắm biển, leo núi.
Hầu hết trẻ em sẽ có một cuộc sống khỏe mạnh và trải nghiệm niềm vui khi được hoạt động thể chất ngoài trời phù hợp theo từng độ tuổi. Những trẻ không được ra ngoài sẽ gặp nhiều hạn chế, khiếm khuyết khi lớn lên. Vì vậy, thay vì tiếp tục lo ngại “trẻ ở trong nhà nhiều có tốt không”, hãy bắt đầu một cách sớm nhất từ những việc đơn giản nhất theo gợi ý nêu trên để tạo ra cơ hội học hỏi, phát triển mọi mặt cho cả gia đình.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
2 trẻ tử vong đột ngột tại nhà khi ngủ: Cảnh báo hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ
Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi có bị hậu COVID-19 không?
Trẻ nhỏ bị quầng thâm ở mắt cảnh báo bệnh gì?
Chuyên gia dinh dưỡng “tự xưng” – Nguyễn Thị Miện
Chuyên gia dinh dưỡng “tự xưng” – ăn cắp bản quyền lừa đảo Nguyễn Thị Miện
Tết của trẻ con
Trẻ con làm ồn trong quán cà phê: Chắc phải ‘đánh đòn’ cha mẹ?
‘Trẻ con biết gì’ – phụ huynh đừng dễ dãi trước hành động nghịch ngợm của con nít!