Trước việc nhiều đối tượng gọi điện thoại mạo danh tổ chức, đơn vị để khai thác thông tin cá nhân nhằm mục đích lừa đảo, nhiều luật sư cho hay hành vi đó có thể bị phạt tù.
Như Lao Động thông tin, từ đầu tháng 5 đến nay, hàng trăm khách hàng phản ánh có nhiều số điện thoại lạ tự xưng là “nhân viên Điện lực”, “Tổng đài ngành Điện”, “Điện lực Việt Nam” để yêu cầu khách hàng nộp tiền điện, thậm chí dọa cắt điện nếu không nộp.
Không riêng với ngành điện lực, mới đây, nhiều bạn đọc phản ánh rằng họ thường xuyên nhận được các cuộc gọi từ số 01800**** xưng là từ Uỷ ban phòng, chống dịch đề nghị khai báo y tế, hỏi các triệu chứng như ho, sốt… nhưng kèm theo đó là tra hỏi về thông tin cá nhân, số chứng minh nhân dân, số tài khoản, địa chỉ nhà…
Trước việc trên, một lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự cho hay, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân…
Khi nhận các cuộc gọi điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn.
Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
Cùng vấn đề, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, với sự phát triển của xã hội, hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của con người trên không gian mạng ngày càng nhiều.
Việc dò hỏi thông tin cá nhân của người khác từ các đối tượng có thể nhằm mục đích dùng cho hành vi phạm tội.
Thực tế, thời gian gần đây cơ quan chức năng liên tục phát hiện, triệt phá và xử lý các nhóm đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng Internet, gọi điện thoại giả danh cơ quan tố tụng.
Bởi vậy, khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng, bằng các phương tiện điện tử, thông qua mạng internet thì người dân cần thận trọng tránh việc giả danh, mạo danh để thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản.
Theo quy định của pháp luật thì hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác với số tiền từ 2.000.000 đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 bộ luật hình sự năm 2015 về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”
Ngoài ra, với hành vi “Sử dụng mạng viễn thông, mạng Internet để chiếm đoạt tài sản” thì đối tượng vi phạm cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 290 Bộ Luật hình sự năm 2015.
Trước thực trạng đó, luật sư Cường cũng khuyến cáo, khi có các cuộc gọi, những tin nhắn… cần thiết phải gọi điện hoặc đến trực tiếp để xác minh lại thông tin…
Khi bị lừa đảo thì cần phải thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh đồng thời trình báo sự việc với cơ quan điều tra để được xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.
Luật sư Nguyễn Minh Long (Giám đốc Công ty Luật TNHH Dragon, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, nhu cầu sử dụng thông tin cá nhân, nhất là số điện thoại, email, địa chỉ nhà… để phục vụ tiếp thị, mời gọi sử dụng các loại hàng hóa, dịch vụ ngày càng phổ biến trong đời sống.
Đây chính là nguồn cơn dẫn đến các hành vi thu thập, mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa… thông tin, dữ liệu cá nhân diễn ra. Trong đó có nhiều thủ đoạn lừa đối tinh vi qua điện thoại, mạng Internet để thu thập thông tin cá nhân của người dùng.
Hành vi này được quy định tại điểm e khoản 3 điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về “Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin”.
e) Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật
Mức xử phạt của hành vi vi phạm này là từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Người vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự đến 7 năm tù về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” (Điều 288 Bộ luật hình sự 2015).
Theo ông Long, mỗi người dân phải có ý thức tự nâng cao cảnh giác. Khi nhận cuộc gọi điện thoại có dấu hiệu lạ, đáng nghi ngờ thì không nên cung cấp thông tin ngay mà sau đó hãy liên hệ lại qua tổng đài để hỏi lại.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
2 trẻ tử vong đột ngột tại nhà khi ngủ: Cảnh báo hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ
Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi có bị hậu COVID-19 không?
Trẻ nhỏ bị quầng thâm ở mắt cảnh báo bệnh gì?
Chuyên gia dinh dưỡng “tự xưng” – Nguyễn Thị Miện
Chuyên gia dinh dưỡng “tự xưng” – ăn cắp bản quyền lừa đảo Nguyễn Thị Miện
Tết của trẻ con
Trẻ con làm ồn trong quán cà phê: Chắc phải ‘đánh đòn’ cha mẹ?
‘Trẻ con biết gì’ – phụ huynh đừng dễ dãi trước hành động nghịch ngợm của con nít!